Cúng tất niên là một nghi thức quan trọng của người Việt vào mỗi cuối năm để tiễn biệt năm cũ và đón năm mới. Đây không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để gia đình sum vầy, đoàn tụ đầy đủ các thành viên. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa, những món ăn đặc trưng và cách bày biện mâm cúng tất niên của người Việt qua các vùng miền.
Ý nghĩa của mâm cúng tất niên
Cúng tất Niên là một phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt, được tổ chức thành bữa tiệc vào ngày cuối của năm cũ. Cúng tất niên mang ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ trong suốt năm qua. Lễ cúng này cũng mang ý nghĩa tiễn biệt năm cũ và đón năm mới, đồng thời cầu xin một năm mới an lành, sức khỏe, may mắn và thành công. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để gia đình sum vầy, thắt chặt tình cảm, nhất là với những gia đình có thành viên học tập, làm việc xa nhà. Cúng tất niên giúp cả gia đình cảm nhận được sự chuyển giao giữa hai năm một cách trang trọng và ý nghĩa.
Trong lễ cúng tất niên, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cơm cúng gồm các món ăn truyền thống, đặc biệt là những món tượng trưng cho sự no đủ, may mắn và phát tài.
Mâm cúng tất niên gồm những gì
Mâm cúng tất niên miền Bắc
Theo truyền thống của người dân miền Bắc, mâm cơm tất niên thường gồm 4 bát và 4 đĩa đối với cỗ nhỏ. Với cỗ lớn, số lượng bát đĩa sẽ là 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa, thậm chí có những mâm cỗ được xếp thành hai, ba tầng. Các món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ tất niên bao gồm thịt gà, thịt lợn, giò, và chả quế. Bên cạnh đó, nhiều gia đình miền Bắc còn thêm một đĩa xôi gấc đỏ tươi với hy vọng cả năm sẽ gặp vận đỏ, may mắn tràn đầy.
- Bốn bát cỗ gồm có: Móng giò hầm măng, bát bóng thả, bát miến nấu lòng gà, bát mọc nấm thả.
- Bốn đĩa cổ gồm có: Đĩa thịt heo, đĩa thịt gà, đĩa chả quế, đĩa giò lụa.
Mâm cúng tất niên miền Trung
Mâm cúng tất niên ở miền Trung không yêu cầu phải có số lượng bát đĩa cố định như mâm cúng ở miền Bắc (4-4, 6-6 hay 8-8). Các món đặc trưng của mâm cúng cuối năm miền Trung thường bao gồm: bánh chưng, bánh tét, thịt heo ngâm mắm, canh măng khô, giò lụa, thịt lợn, thịt gà, miến Huế, bánh mật và một số món khác.
Miền Trung vào dịp Tết thường có không khí se lạnh. Người miền Trung rất coi trọng lòng thành tâm trong lễ cúng, “có gì dâng nấy” là quan niệm phổ biến khi dâng lên ông bà tổ tiên. Mâm cỗ cúng ngày 30 Tết của người miền Trung không quá cầu kỳ, các món ăn trong mâm thường đơn giản nhưng đầy đủ và thể hiện tấm lòng thành kính.
Mâm cúng tất niên miền Nam
Với tính cách phóng khoáng, mâm cỗ của người miền Nam không quá phụ thuộc vào hình thức hay nghi thức, mà chú trọng vào sự đa dạng và phong phú trong món ăn. Mâm cúng tất niên miền Nam thường có rất nhiều món như: bánh tét, canh khổ qua, thịt kho hột vịt, canh măng, gỏi tôm thịt, gỏi gà xé phay, chả giò… Mỗi món đều mang một ý nghĩa riêng, vừa thể hiện sự sung túc, vừa là lời cầu chúc cho một năm mới an lành, thịnh vượng.
Cách bày mâm cúng tất niên
Việc bày trí mâm cúng tất niên không chỉ là một nghi lễ quan trọng mà còn thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ. Mâm cúng thường được chia thành hai phần chính: một mâm cúng gia tiên trong nhà và một mâm cúng ngoài trời, đặt ở sân trước.
Các vật phẩm linh thiêng như nhang và đèn được sắp xếp cẩn thận, tạo nên sự kết nối giữa thế giới âm dương, thể hiện sự giao hòa giữa ánh sáng của Mặt Trời và Mặt Trăng. Tùy theo từng vùng miền và truyền thống gia đình, mâm cúng sẽ có những lễ vật khác nhau. Những món đồ quen thuộc thường có mặt trên mâm cúng bao gồm mâm ngũ quả, giấy tiền, trầu cau, hoa tươi, rượu, trà, bánh chưng, bánh tét. Mâm cúng có thể là đồ mặn hoặc chay, tùy theo tín ngưỡng và phong tục của từng gia đình.
Khi bày trái cây cúng, trái cây dùng để cúng phải là đồ tươi, tránh sử dụng trái cây giả, hoa giả. Điều đó có thể khiến lễ cúng mất đi sự thành kính với tổ tiên, thần linh. Mâm ngũ quả được đặt hai bên lư hương để không chắn tầm nhìn của các vị thần.
Những lưu ý khi cúng tất niên
Để lễ cúng tất niên diễn ra trang nghiêm, trước tiên, các gia đình cần dọn dẹp bàn thờ và nhà cửa, đảm bảo mọi thứ đều gọn gàng, tinh tươm. Dù lễ cúng tất niên không đòi hỏi sự cầu kỳ, nhưng vẫn cần chuẩn bị một cách chu đáo và đầy đủ. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, chủ nhà có thể chuẩn bị mâm cúng đơn giản hoặc đầy đủ món. Nhưng cơ bản nhất vẫn phải có những món ăn truyền thống ngày Tết.
Tất niên không chỉ là dịp để gia đình quây quần bên nhau mà còn là cơ hội để thắt chặt tình cảm và thể hiện sự đoàn kết. Vì thế, việc có đủ mặt tất cả các thành viên trong gia đình là rất quan trọng để tạo nên không khí sum vầy, ấm áp.
Trong những ngày này, khi các thành viên đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả, đặc biệt là đối với những gia đình có con cái ở xa. Chính vì thế, việc giữ gìn sự hòa thuận, tránh cãi vã và lời nói không hay là điều cần thiết. Thay vào đó, mọi người nên chia sẻ những câu chuyện vui vẻ, những điều tích cực để cùng nhau đón chào năm mới.
Thông qua mâm cỗ, chúng ta được kết nối với những giá trị truyền thống và tạo ra không khí ấm cúng trong gia đình. Đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại một năm đã qua, chuẩn bị cho một năm mới đầy hy vọng. Chính vì thế, hãy chuẩn bị một mâm cúng tất niên đầy đủ và ngon miệng để cùng thưởng thức với gia đình vào cuối năm nay nhé!