“Cuộc sống mang đến cho bạn 10% cơ hội, 90% còn lại là cách bạn phản ứng với nó”.
Đôi khi trong cuộc sống, cơ hội đến với chúng ta nhưng chúng ta lại không nhận ra và làm vụt mất nó. Một người trẻ đầy nhiệt huyết, dám đương đầu với thử thách, nắm bắt những cơ hội mới là người có thể vươn lên và đứng trên đôi chân của mình.
Nhân câu chuyện đáng suy ngẫm về đội tuyển U23 Việt Nam, tôi muốn chia sẻ một số liên tưởng của bản thân về những người hùng thầm lặng này.
1. Cần có sự đào tạo bài bản và có sự xây dựng nền móng
“Tre già măng mọc” cứ mỗi lớp cầu thủ thế hệ sau thì sẽ có nhiều điều kiện và nổi trội hơn các cầu thủ trước. Tuy nhiên, như ông Đoàn Nguyên Đức đã nói: “chẳng có thành công nào từ trên trời rơi xuống”.
Nếu chấp nhận xây dựng mọi thứ từ nền móng thì trong 10 năm qua mới ra được những lứa cầu thủ như vậy: giỏi chuyên môn kỹ thuật, khỏe về thể lực, tâm lý thi đấu vững vàng ổn định: thắng không kiêu, bại không nản; đạo đức tốt; ngoại ngữ tốt để có thể giao tiếp trên trường quốc tế.
Nếu muốn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, bản thân người cầu thủ đó phải được đào tạo bài bản từ nền móng, cũng giống như những doanh nhân muốn trở nên chuyên nghiệp cũng phải được đào tạo bài bản. Không thể nào chỉ bằng việc lựa chọn những cầu thủ giỏi để thi đấu mà không được đào tạo từ nhỏ thì việc thắng thua dựa vào may mắn rất là lớn.
Trên thương trường cũng vậy, nếu như chỉ tập trung lựa chọn những doanh nghiệp tiềm năng xuất sắc và tập trung vào những chỉ số đầu tư mà không bồi dưỡng tinh thần doanh nhân và những kỹ năng, kiến thức cần có thì khó mà có được những thành công bền vững và có sức lan tỏa. Vậy câu hỏi đặt ra là: Phải chăng, đó chính là lý do tại sao đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có nhiều tập đoàn tầm cỡ quốc tế, sánh vai với các cường quốc năm châu?
2. Sự va đập cọ xát và sẵn sàng đón nhận thất bại
Có một số cá nhân, sợ hãi sai lầm, sợ hãi phải chấp nhận thua cuộc, sợ hãi bản thân gặp thất bại. Tuy nhiên, “ thất bại là mẹ của thành công”. Chấp nhận hy sinh, chấp nhận thất bại để từ đó trưởng thành hơn.
Cầu thủ cũng vậy, họ phải đi thi đấu, cọ xát trên nhiều sân bóng với nhiều cuộc thi khác nhau, họ mới có thể trưởng thành hơn. Nếu không có sự nỗ lực âm thầm rèn luyện, đội tuyển U23 Việt Nam đâu có ngày hôm nay, họ đâu thể chịu cái giá lạnh với sân bóng đầy tuyết trong vòng hơn 120’. Họ đã là những người hùng của nước nhà.
Vậy, những doanh nhân trẻ cũng vậy. Có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, có rất nhiều người trẻ có những ý tưởng độc đáo, vậy tại sao họ lại chấp nhận bỏ cuộc? Bởi họ không dám đương đầu với thử thách, thất bại.
Bên cạnh đó, nhìn lại những Urban Station Coffee, The coffee House,…Họ cũng là những doanh nghiệp trẻ, với những ý tưởng trẻ, nhưng họ đã thành công. Vì họ dám bước khỏi vùng an toàn để nhận được những trải nghiệm mới mẻ. Trận đấu với Uzbekistan chỉ là một sự mở đầu cho chuỗi những trải nghiệm mới cần thiết để có thể đi xa hơn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt hơn để vươn lên những tầm cao hơn.
3. Tinh thần đồng đội
Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ đến câu truyện “ Bó đũa” và bài học về tình đoàn kết mà người cha già gửi đến những đứa con của mình. Một cây đũa thì có thể bị bẻ gãy dễ dàng. Nhưng, một bó đũa thì đó lại là điều không tưởng.
Nhờ vào tinh thần đồng đội và đoàn kết, khả năng team work xuất thần, đội tuyển U23 Việt Nam đã từng bước vượt những đối thủ nặng ký nhất. Từ Quatar, đến Irag. Họ bổ trợ, hợp tác với nhau để có những màn thi đấu nảy lửa và đặc sắc nhất.
Các doanh nghiệp trẻ cũng cần những đội nhóm tốt, trung thành. Phối hợp với nhau để đến với một mục tiêu chung, với một đích đến cuối cùng. Ngoài ra, họ còn phải cần đến những đối tác, những khách hàng. Sự liên kết sẽ khiến công việc trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
4. Sự tự tin, có mục tiêu rõ ràng và quyết tâm chiến đấu đến cùng
Nhìn những con người máu đỏ da vàng, lạnh đến run người, tai và mặt đỏ ửng vì lạnh. Tôi không khỏi chạnh lòng. Ở đâu? Từ đâu mà họ lại có một quyết tâm cao độ, kiên cường đến như vậy. Bởi, trong tim họ có một mục tiêu chung. Một mục tiêu rõ ràng, và hơn ai hết, họ biết rằng: Họ phải đem lại vinh quang cho nước nhà, cho những trái tim chung một nhịp bóng đá, cho những hy sinh của những người đồng hành, và hơn hết, là cho những nỗ lực bất lâu họ đã bỏ ra.
Doanh nghiệp cũng vậy, việc bắt đầu một hoạt động kinh doanh sẽ chẳng đi vào đâu nếu bạn không có niềm tin, không có mục tiêu và không có những kế hoạch cụ thể để hoàn thành mục tiêu đó. Đối với những dự án mạo hiểm, sáng tạo, mới mẻ, điều quan trọng là bạn phải có niềm tin sẽ thành công và làm việc hết mình đến hơi thở cuối cùng.
Đến lúc đó, dù có thất bại đi chăng nữa, bạn vẫn có thể mỉm cười vì bản thân đã cố gắng hết sức. Cũng như HLV Park Hang Seo đã nói với các cầu thủ khi trận đấu kết thúc: “ Tại sao phải cuối đầu? Chúng ta đã cố gắng hết sức cơ mà.”
5. Đặt nền móng ở người trẻ và học từ người trẻ
Một số doanh nghiệp thường có thói quen tuyển dụng người có kinh nghiệm, những người đã từng làm công việc trước khi ứng tuyển. Đó là điều dễ hiểu, bởi vì họ sợ rủi ro khi thuê người trẻ tuổi, những sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng đại học với con số 0 về sự trải nghiệm, va chạm môi trường.
Họ cũng ngại phải tập huấn cho những nhân viên này lại từ đầu. Nhưng họ lại quên rằng, đây mới chính là cái nôi cũng những ý tưởng sang tạo, những ý tưởng tuy có phần điên rồ nhưng lại mang lại những kết quả không tưởng.
Giống như những cầu thủ U23 Việt Nam, nếu ban huấn luận không đặt niềm tin và nền móng từ ban đầu cho họ, thì giờ đây, có lẽ họ cũng vẫn mãi ở ao làng, ở những sân chơi nhỏ mà chẳng ai biết đến tên.
Vậy, bạn có dám đặt niềm tin vào người trẻ hay không?
6. Sáng tạo và sự lan tỏa giá trị & tinh thần đoàn kết
Khi các cầu thủ trẻ đá bóng, họ đá cho sự đam mê của chính mình. Có thể cũng giống như rất nhiều thế hệ cầu thủ khác, họ chiến đấu cho màu cờ sắc áo. Khi ra trận, có lẽ họ không cần nghĩ quá nhiều mà chỉ chiến đấu hết mình.
Doanh nhân có lẽ cũng vậy, khởi điểm từ sự đam mê, từ việc thấy một bất công mà không ai giải quyết và làm đến cùng. Có điều, chính các cầu thủ cũng không bao giờ nghĩ rằng, mình đã sáng tạo ra những giá trị mới cho văn hóa bóng đá Việt Nam, một sự lột xác bỏ lại đằng sau sự tự ti, lối chơi thụ động, họ mang đến một tinh thần chơi đẹp – fair play làm nên một hình ảnh bóng đá Việt Nam mới.
Câu chuyện của họ không phải cổ tích, bởi họ đã nỗ lực hết sức, chuẩn bị cho nó chứ không phải chờ đợi phép màu. Cơ hội không phải từ trên trời rơi xuống. Họ đã tạo ra những giây phút mà người ta quên hết những mâu thuẫn nhỏ nhặt, những bộn bề cuộc sống để cùng hân hoan trong niềm vui và hy vọng.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cờ đỏ sao vàng ngợp trời. Hình ảnh thiêng liêng ý nghĩa ấy, liệu có thể được những người trẻ tạo nên một lần nữa?
Những doanh nhân Việt liệu có thể đem Việt Nam tiến lên thương trường quốc tế? Để rồi một mai sẽ được xướng tên là một quốc gia với những doanh nhân thành đạt, với nền kinh tế phát triển phồn vinh. Tôi xin để câu hỏi này để mỗi người tìm ra câu trả lời của chính mình.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi những chia sẻ của tôi và những gì tôi đã ngẫm ra được từ những người hùng của nền bóng đá nước nhà. Vậy hãy cùng nhau theo dõi 5 bài học kinh nghiệm sau chiến thắng của U23 Việt Nam dành cho các doanh nghiệp Việt nhé.