Kết thúc tháng 3/2018 cũng đồng nghĩa với việc quý đầu tiên của năm 2018 vừa đi qua. Quý thứ hai của năm 2018 đã bắt đầu “lăn bánh” và rất nhiều công việc phải báo cáo trong quý vừa qua khiến hầu hết doanh nghiệp đều phải tất tả hoàn thành.
Sau đây là chi tiết 7 công việc mà mọi doanh nghiệp phải báo cáo và hoàn thành trước khi tháng 4/2018 đi qua:
1. Thông báo về tình hình biến động lao động tháng 03/2018
Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ, trước ngày 03 hằng tháng, doanh nghiệp phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm, nơi đặt trụ sở làm việc, về tình hình biến động lao động tại doanh nghiệp nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
Như vậy trước ngày 03/04/2018, doanh nghiệp phải hoàn tất báo cáo biến động lao động trong tháng 03/2018 vừa qua.
2. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Mỗi quý, doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, kể cả trường hợp không sử dụng hóa đơn.
Theo Điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC, trong tháng 04 (chậm nhất là 30/04), doanh nghiệp phải thực hiện nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý I/2018 cho cơ quan thuế.
3. Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý I năm 2018
Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý I chậm nhất vào ngày 30/04 (theo Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC).
4. Báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
Điều 5 Thông tư 37/2010/TT-BTC đã nêu rõ,nếu doanh nghiệp sử dụng chứng từ khấu trừ tự in trên máy vi tính thì phải thực hiện báo cáo về việc sử dụng các chứng từ đấy theo quý. Thời gian chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Như vậy, theo quy định này, chậm nhất ngày 30/04, doanh nghiệp phải báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in của quý I/2018.
5. Trích nộp tiền BHXH, BHTN, BHYT
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp phải trích đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT; đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Như vậy, trong tháng 04, doanh nghiệp phải hoàn thành việc trích đóng BHXH, BHYT, BHTN của tháng này.
6. Đóng phí công đoàn
Khoản 2 Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP có quy định, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần, vào cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
7. Đối thoại tại nơi làm việc
Trong Điều 65 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ, việc đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần, thể theo yêu cầu có thể từ một bên. Doanh nghiệp có nghĩa vụ bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc đối thoại.
Như vậy, sau khi kết thúc quý làm việc đầu tiên, sang tháng 04, doanh nghiệp cần phải bố trí một buổi đối thoại định kỳ.
Tháng 4 cũng là thời điểm có Những chính sách, quy định mới của Chính Phủ có hiệu lực, các doanh nghiệp cần cập nhật thêm để có thể thực hiện tốt hơn nhé!

Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Replus.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý và cho thuê văn phòng. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.